Có những chiều “buồn thúi ruột”, bỗng nghe tiếng rao lanh lảnh của chị bán chè ngoài ngõ “Ai ăn chè đậu xanh , bún tàu, nước dừa… hôn. Ai ăn hột vịt lộn… hôn” là lòng chợt vui trở lại.
Đang giấc nghỉ trưa trong con xóm nhỏ, chợt nghe qua tiếng loa phóng thanh cà rọt, cà rẹt “Keo diệt chuột, keo diệt chuột của công ty công nghệ khoa học…”. Rồi tiếng xe bán kem, âm vang theo một điệu nhạc mà con nít thường hát “Không có tiền… Không có tiền… thì không có kem…’’.
Sài Gòn giờ đây vẫn còn tiếng rao hàng – nhưng là đoạn ghi âm sẵn phát ra từ loa. Những người có tuổi ở thành phố này chợt nhớ về tiếng rao hàng “live” (giọng thiệt) được nghe từ hồi nhỏ xíu…Rồi giọng nữ thu sẵn phát qua chiếc loa treo tòn ten phía sau xe đạp của chị bán bánh mì cất lên: “Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm ngon, 1 ngàn 1 ổ…”. Người bán hàng thời nay đã dùng kỹ thuật thu âm rồi phát qua loa cho đỡ mệt.
Với những người Sài Gòn khó tính một chút, các tiếng rao hàng chát chúa, “sinh sản vô tính” này lặp đi lặp lại bên tai sẽ gây chút bực mình, tự hỏi “Không lẽ tiếng rao hàng bây giờ nó vô hồn như vậy sao?”.
Thật ra, không phải họ khó tính mới bực bội đâu! Có lẽ những người có tuổi ở thành phố này chợt nhớ về tiếng rao hàng “live” (giọng thiệt) được nghe từ hồi nhỏ xíu.
Người bán hàng rong
Nhớ lại những đêm mưa trong xóm nghèo, nghe tiếng rao “Bánh giò, bánh giò đây” là bụng xem chừng “biểu tình” mặc dù hồi chiều đã ăn cơm no ứ hự. Rồi tiếng lóc cóc quen thuộc trong đêm vắng của anh chàng bán hủ tiếu gõ đi qua khắp các nẻo đường Sài Gòn vắng bóng người. Không biết đêm nay anh đi bao nhiêu ngõ hẻm mới bán được vài tô. Rồi trời mà đổ mưa là xem như cả thùng nước lèo tối đó “ôm sô” luôn chứ còn phải hỏi. Thiệt thương!
Hủ tiếu gõ
Có những chiều “buồn thúi ruột”, bỗng nghe “có tiếng rao nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao” (nhạc Võ Thiện Thanh). À, tiếng rao lanh lảnh của chị bán chè ngoài ngõ “Ai ăn chè đậu xanh , bún tàu, nước dừa… hôn. Ai ăn hột vịt lộn… hôn” là lòng bỗng vui trở lại.
Chị bán chè, mỗi lần rao, dù câu chữ thì giống nhau nhưng mỗi lần rao âm điệu lại có khác nhau. Có khi vui, có khi buồn. Nghe tiếng rao biết chị hôm nay bán ế, hay bán đắt, trong nồi còn chè ít, hay nhiều.
Trong tiếng rao, chị bán chè hình như gửi cả tâm trạng và tâm hồn mình vào đấy. Khi thì ngân nga như hát cải lương, khi thì đủng đa đủng đỉnh như câu chuyện tình trong truyện nhiều kỳ trên nhật báo. Có khi chị kéo dài hơi như giọng ca kép cải lương Minh Cảnh để “phô trương sự phong phú trong âm thanh tiếng Việt” (nhà văn Tràng Thiên) . Nghe nhiều riết rồi mình ghiền nồi chè và tiếng rao của chị mãi đến bây giờ, khi tóc đã bạc màu thời gian.
Ảnh sưu tầm (Ẩm thực SG)
Có một “thể loại tiếng rao” mà nhà văn Tràng Thiên cho rằng đứng trên tất cả các giọng rao đó là tiếng rao của những đứa trẻ bán báo.
Ngày nay thời buổi văn minh hiện đại, đố ai tìm được một giọng rao báo trên đường phố buổi sáng! Còn ngày xưa, những người phụ nữ nhỏ tuổi, lớn tuổi, trong bộ quần áo bạc màu, đầu đội nón lá sờn cũ, tay ôm chồng báo (“chính luận” thì ít mà thuộc loại “lá cải” thì nhiều) lầm lũi đi, lầm lũi mời mọc, lầm lũi bán, cứ thế mà hết một đời người, hết một giai đoạn lịch sử của Sài Gòn.
Đoạn trên đố bạn tìm được tiếng rao báo, thiệt lòng là đang nhớ tiếng rao “Báo đây…báo mới đây…báo mới ra lò vừa thổi vừa coi đây…”. Qua giọng rao những người bán báo dạo, người nghe tạm biết sơ các “đề mục” ngày hôm đó như: “Lương công chức được tăng ba phần trăm giá gạo tăng 5 phần trăm trên tờ Đ.T. đây”, “Tại sao chính phủ cho xây cầu bắc ngang chợ Sài Gòn theo lời bình của Tư Trời Biển báo T.S đây’’, “ Tăng thuế kiệm ước, sinh viên học sinh biểu tình chống tăng học phí đây”.
Nghe tiếng rao hấp dẫn, vài người đàn ông đang nhâm nhi ly cà phê sữa trong quán ngoắc tay vẫy người bán vào, móc tiền xìa tay ra lấy ngay tờ báo. Cũng có người phụ nữ kêu thằng nhỏ bán báo lại khi nghe cậu rao bằng cai giọng lả lót chưa vỡ tiếng “Vũ nữ Cẩm Hằng đã gặp lại người mẹ giàu có sau mười năm lưu lạc trong truyện ngày mai trời lại sáng báo S.G.M đây…”.
Ảnh minh họa
Khoảng đầu những năm 80, trong xóm tôi có anh Tư chuyên nghề bán báo dạo ở bến xe. Lúc ấy, ngày nào anh cũng bán hết báo. Anh Tư hay rủ người viết đi nhậu mỗi chiều, khề khà uống một hơi nửa chai bia Sài Gòn (bấy giờ uống bia Sài Gòn là “sang chảnh” lắm) nói: “Tụi mình đều làm báo, ông viết báo, tui bán báo. Ông viết báo không ra tiền chớ tui bán báo bến xe đỡ vã lắm”.
Tôi hỏi anh Tư: “Người ta bán báo ế nhệ, sao anh bán được hay vậy cà?”
“Có gì đâu, chịu khó rao một chút. Leo lên xe, lựa cái tựa báo nào hấp dẫn một chút thì rao lên. Người ta muốn mua báo vì nó gợi cho người ta sự tò mò, hấp dẫn…” – anh Tư nói xong liền ví dụ một loạt các nội dung rao, nghe qua toàn chuyện… “giật gân”.
Bây giờ rất hiếm người bán báo dạo đi rao báo khắp các nẻo đường Sài Gòn. Dường như không còn nghe ai mang chồng báo đến và rao lên đủ chuyện vui chuyện buồn, chuyện tình người, chuyện “ruồi bu”… ở các quán cà phê sớm trưa chiều tối nữa. Giờ thì thiên hạ sành điệu cắm mũi vào điện thoại, máy tính bảng, laptop, lên “Phây” (Facebook) like nhau, còm nhau (comment) ì xèo dù đang ngồi uống cà phê cạnh nhau cùng một bàn.
Chúng ta bận rộn lao xao trên mạng, để tâm chi tiếng rao “thời con nít” giữa phố phường nữa nhỉ? Chợt nhớ tiếng Phương Thanh hát nhạc Võ Thiện Thanh, thấy thật thấm tình: “Có tiếng rao nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao. Có tiếng rao ngơ ngác xanh xao khuất sau hàng phố cao cao…”.
Theo Lê Văn Nghĩa/Tuổi trẻ
About MBA -
Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.
Tại Đại học Nam Columbia, chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) luôn được chú trọng cải tiến, không ngừng nâng cao chất lượng, cơ hội để bạn theo đuổi đam mê học tập của mình và đạt bằng cấp được các nhà tuyển dụng coi trọng.
Tham gia chương trình bạn sẽ được trau dồi, rèn luyện các phẩm chất cần có của nhà lãnh đạo tương lai, được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần có của một nhà quản lý tài năng, giúp bạn đưa ra những giải pháp tối ưu nhất cho tổ chức, doanh nghiệp của mình trong quá trình vận hành, phát triển.
Trường Đại học Nam Columbia – CSU thuộc Tâp đoàn giáo dục Columbia Southern Education (CSEG), đào tạo các bậc học từ Cao đẳng, Cử nhân đại học, Thạc sỹ và Tiến sỹ. CSU đã được kiểm định chất lượng bởi DEAC (Ủy ban kiểm định Giáo dục từ xa Hoa Kỳ). Đại học Nam Columbia Việt Nam chính thức hoạt động từ 2002 và được Bộ Giáo Dục và Đạo Tạo Việt Nam công nhận văn bằng