Tất cả những hành động phi lý tính ấy biểu hiện tâm lý bất thường của tuổi “thiếu niên” cần tìm hiểu thì mới giáo dục được. Ở ta, tuổi choai choai, tuổi không còn là trẻ con mà chưa thành người lớn (thiếu niên) khoảng từ 10-11 đến 14-15 tuổi. Nhưng theo tâm lý học phương Tây, tuổi thiếu niên con trai từ 14-20, con gái từ 12-18, đến khi có ý thức về trách nhiệm xã hội thì chấm dứt.
Tâm lý thiếu niên (từ 10-20 tuổi) là vấn đề được thảo luận sôi nổi ở một Đại hội Mỹ Latin cách đây khá lâu về giáo dục giới tính và hướng dẫn cuộc đời. Ernesto Grrillo đã tóm tắt một số đặc điểm như sau: Trai gái dần dần tìm cách dứt khỏi uy quyền của mẹ, cha, ít nhiều có tự do hành động để tự khẳng định, tìm nhân cách của mình trong khi chưa bị chi phối bởi trách nhiệm người lớn. Do đó, dễ dung túng, cảm tính. Đây là thời kỳ có nhiều đổi thay và lựa chọn, có nhiều quyết định phức tạp và vấn đề phải giải quyết. Nếu gia nhập một nhóm bạn cùng lứa tuổi, cùng ý nghĩ, cùng hành động, ăn mặc, thích thú, họ tìm thấy bản sắc và tin tưởng.
Đây cũng là lúc đi vào thế giới hấp dẫn của tình dục. Bản năng sinh lý trỗi dậy khiến cho thiếu niên lao vào cuộc đời một cách thiếu suy nghĩ: tò mò dẫn đến mọi thứ thể nghiệm, có thể đi ngược lại những cấm kỵ của lễ giáo gia đình. Cái thú “ăn quả cấm”, vừa có cảm giác tội lỗi vừa có cảm giác khẳng định tự do cá nhân. Những nhiễu loạn phức tạp do bản năng sinh lý gây ra cần được theo dõi và hướng dẫn kịp thời một cách tế nhị. Một cuộc điều tra của Trung tâm Cuba về
giáo dục giới tính vào năm 1992 cho thấy 80% nam và 90% nữ không sử dụng phương tiện tránh thai khi quan hệ tình dục lần đầu tiên, do đó có thể dẫn đến những hậu quả tai hại như: bệnh tật, phá thai, ma túy, tự vẫn.
Cũng có trường hợp thiếu niên chống lại, gạt bỏ sự ám ảnh của tình dục. Có khi vào tuổi 15-16, con trai có những cuộc khủng hoảng thần bí, tôn giáo…
Tóm lại, thời niên thiếu là một giai đoạn quyết định cuộc đời mà lại đầy khó khăn. Riêng đối với Việt Nam từ thời hậu chiến, thiếu niên phải đương đầu với những hoàn cảnh đặc biệt mà cha ông chưa hề biết. Các thế hệ thiếu niên trước đây đều dễ dàng vượt qua tuổi khủng hoảng do có khuôn mẫu xã hội tương đối ổn định do một tư tưởng chủ đạo chi phối. Từ đầu thế kỷ đến Cách mạng tháng Tám 1945, mặc dù có ảnh hưởng Tây hóa, gia đình phong kiến vẫn ổn định trong một xã hội đã có nếp. Sau Cách mạng và qua hai cuộc kháng chiến, tư tưởng chủ đạo là “tất cả vì độc lập”, tuổi thiếu niên không chệch đường ray ấy. Ngày nay, qua những biến thiên quốc tế và quốc gia, mặt tiêu cực của thị trường tự do, đồng tiền ảnh hưởng đến toàn xã hội, thiếu niên chơi vơi, khó tìm đường hơn trước nhiều.
Nhất là đạo đức xã hội và cá nhân đang bị suy thoái nghiêm trọng, nạn tham ô, lãng phí, quan liêu, sự vô cảm đối với cả tập thể khó đẩy lùi. Trong hoàn cảnh ấy, giáo dục các “choai choai” là các cô cậu thiếu niên lại càng khó khăn. Gia đình phải là cái phao giữ cho các em thiện tâm và sống tử tế vì ngay cả môi trường học đường cũng ít nhiều bị ô nhiễm về đạo đức. Vai trò gương mẫu một cách thông minh của bố mẹ hết sức quan trọng.
Nguồn: The world & Vietnam Report